I. Lịch sử xã Đại Hưng
Trong cuốn sách: các trấn tổng xã danh bị lãm biên soạn vào những năm 1810-1819 do Viện Hán nôm xuất bản năm 1981, các thôn: Hà Xá- Trinh Tiết- Thượng Tiết của xã Đại Hưng ngày nay chính là 3 xã của tổng Trinh Tiết, huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Thực dân Pháp xâm lược nước ta, đã phân định lại địa giới hành chính thuộc hai huyện Chương Đức và Hoài an được tách ra để thành lập huyện Mỹ Đức, các xã Trinh Tiết - Hà Xá - Thượng Tiết của tổng Trinh Tiết thuộc địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.
Cách mạng tháng 8- 1945 thành công. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện Sắc lệnh 91/SL của Chính phủ về việc hợp nhất các xã nhỏ thành xã lớn, tháng 4-1948, ba xã: Hà Xá, Trinh Tiết, Thượng Tiết được hợp nhất lấy tên là xã Trung Nghĩa. Hai năm sau, tháng 5-1950, hai xã Đại Đồng và TRung Nghĩa lại được hợp nhất thành xã Đại Nghĩa. Giữa năm 1956, xã Đại Nghĩa được tách ra làm hai xã: xã Đại Hưng và xã Đại Nghĩa.
II. Điều kiện tự nhiên
Xã Đại Hưng có ba thôn: Hà Xá, Trinh Tiết, Thượng Tiết, tổng diện tích tự nhiên của xã có gần 4 cây số vuông, trong đó có 1.160 mẫu ruộng canh tác. Dân số của thôn nếu lấy mốc trước Cách mạng tháng 8- 1945 là 611 hộ, với 3019 nhân khẩu, đến nay đã phát triển tăng lên hơn 2000 hộ với trên 8000 nhân khẩu. Phía Đông xã Đại Hưng có dòng sông Đáy, bên kia bờ là phần đất của hai xã Hòa Nam và Hóa Phú huyện Ứng Hòa, phía Tây và Tây Nam giáp hai xã An Tiến và Hùng Tiến, Phía Nam giáp xã Vạn Kim, phía Bắc giáp thị trấn Đại Nghĩa ngày nay.
Do huyện Mỹ Đức có dòng sông Đáy ở phía Đông, và dãy núi đá ở phía tây nên đồng đất huyện Mỹ Đức có 3 vùng, đó là vùng đất phù sa bãi ven sông, vùng đồng chiêm trũng và vùng đồi ven núi. Xã Đại Hưng vừa có vùng đất bãi phù sa ven sông Đáy, vừa có vùng đất chiêm trũng lầy thụt. Đây là vùng đất có bề dầy trong lịch sử tạo dựng quê hương và chống thiên tai địch họa.
Ở cả ba thôn nhân dân còn gọi nôm na tên của làng mình bằng cái tên rất đỗi thân thuộc: làng Sêu (Trinh Tiết), làng Hà (hà Xá), làng Thượng (thượng Tiết). Cấu trúc đường ngõ của các xóm ở Trinh tiết và Hà Xá ví như những xương cá bắt đầu từ đường ruột thôn phần nhiều chạy thẳng ra tới bờ sông Đáy. Cấu trúc của làng Thượng mang đặc trưng giống như nhiều làng, xã khác của vùng đồng chiêm trũng khu cháy, gồ cao ở giữa thân làng và thoải dần ra các phía xung quanh. Làng Thượng Tiết, đường trước làng, sau làng và cả các ngõ đều thẳng tắp. Điều kỳ thú của vùng đất Đại Hưng là giữa một vùng chiêm trũng lầy lội, giữa khoảng trống rộng lớn từ sông Đáy đến rặng núi đá ở An Phú, An Tiến lại đột khởi lên quả đồi đất có độ cao hơn 32 met so với mực nước biển được gọi là Đồi hà và Đồi Thượng với diện tích hơn 17ha chiếm tới 50% của ngọn đồi, phần còn lại thuộc và thị trấn Đại Nghĩa và xã An Tiến.
Vùng đất Đại Hưng có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng ruộng của xã có độ chênh nghiêng dần về phia tây. Hiện nay Đại hưng vừa có diện tích gieo trồng lúa, vừa có diện tích trồng cây ăn quả chuyên canh như Bưởi, ổi, cây hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi vịt và thả cá.
III. Di tích lịch sử - văn hóa
Xã Đại Hưng thuộc vùng đất có vị trí quân sự, tiềm năng kinh tế đa dạng, lại có cảnh quan như thể dựa vào dòng sông trông về hướng núi đá giăng thành, nhân dân Đại hưng đã xây dựng trên quê hương mình những nơi đình, chùa, quán, miếu làm nơi sinh hoạt văn hóa,lễ hội truyền thống và quản lý xã hội. Các ngôi đình, chùa, quán ở ba thôn trên địa bàn xã là những công trình có kiến trúc cổ xưa minh chứng về vùng đất của quê hương có bề dày lích sử. Đình Hà Xà thớ Quý Minh Đại Vương, có 13 đạo sắp phòng, chủ yếu là ở triều đại nhà Nguyễn. Làng Sêu có hai ngôi Đình: Đình Tổng và Đình làng Trinh Tiết. Ngôi Đỉnh Tổng nhìn về hướng nam, trước mặt là chợ Sêu, là đình công của 16 làng trong tổng như: TrinhTiết, Thượng Tiết, Đông Bình, Trung Hòa, vạn Phúc, Đốc Tín, An Đà, Thụy Hiền, Thanh Hà, Hòa Lạc, Phú Duy, Nông Khê, Đốc Hậu, Kim Bôi, Hà Xá và An Duyệt. Đình làng Trinh Tiết có 9 đạo sắc phong, đình trông về hướng tây thờ thành hoàng làng Nguyễn Thế Bảo, một danh tướng của Triệu Việt Vương (542), ông đã cùng nhà Triệu đánh tan quân xâm lược nhà Lương, sau đó trở về quê mẹ tại thôn Trinh Tiết cùng với cư dân trừ thú dữ, kiến tạo quê hương.
Đình Thượng Tiết thờ thần hoàng là Ngô Vương Quyền đã nhận được 12 đạo sắc phong, đáng chú ý là ngôi chùa Thượng tiết được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 10 (1830), chùa được xây dựng trên khu đồng cạnh Quán mang tên Phúc Lâm tự, ngôi chùa ngoảnh về hướng Nam nhìn ra dòng sông Thanh Hà. Chùa Thượng Tiết có kiến trúc lâu đời, đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Thành phố.